Giới thiệu bảng dinh dưỡng

Giới thiệu bảng thành phần thực phẩm Việt Nam

Cập nhật3354
0
0 0 0 0
1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA BẢNG THÀNH PHẦN THỰC PHẨM
        Nhiều nghiên cứu trong nước và trên thế giới đã khẳng định mối liên quan chặt chẽ giữa thực phẩm và sức khoẻ người tiêu dùng. Thành phần thực phẩm, thói quen ăn uống có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thể lực, trí tuệ của trẻ em và sự xuất hiện hoặc phòng ngừa một số bệnh mạn tính của người lớn như bệnh tim mạch, đái đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid. Khi đời sống được cải thiện, nguồn thực phẩm và các sản phẩm chế biến ngày càng phong phú thì nhu cầu tìm hiểu về thành phần thực phẩm trở nên cần thiết hơn. Gần đây, các tiến bộ mới trong nghiên cứu khoa học dinh dưỡng, khoa học thực phẩm đã từng bước trả lời những bí ẩn của thức ăn, cung cấp các căn cứ để xây dựng một chế độ ăn cân đối, hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Một số thành phần có hoạt  tính sinh học trong thực phẩm như các acid béo không no, vitamin A, vitamin E, vitamin C, carotenoids, các hợp chất hóa thực vật nhóm phytoestrogen, flavonoid còn có vai trò chống oxy hóa, tăng cường khả năng miễn dịch và phòng chống ung thư đã được khám phá.
        Bảng thành phần thực phẩm (Food Composition Table) là một công cụ quan trọng cho những người làm công tác dinh dưỡng trong điều tra và xây dựng khẩu phần, phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy, hoạch định chính sách và kế hoạch phát triển sản xuất thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm phù hợp với tình hình sức khoẻ. Bảng thành phần thực phẩm luôn luôn được các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức thực phẩm và nông nghiệp của Liên hợp quốc (Food Agriculture Organization - FAO) và các quốc gia quan tâm.
        Trong hoàn cảnh Việt Nam vừa gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), thị trường thực phẩm rất đa dạng, cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu thì những thông tin về thành phần các chất dinh dưỡng và phi dinh dưỡng, các chất chống oxy hóa, hợp chất có hoạt tính sinh học đóng vai trò quan trọng bảo vệ sức khoẻ và phòng chống bệnh tật được cập nhật số liệu thường xuyên vào Bảng thành phần thực phẩm là yêu cầu rất chính đáng.

 
2. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA CỦA BẢNG THÀNH PHẦN THỰC PHẨM VIỆT NAM
        Ở Việt Nam, năm 1941 M.Autret và Nguyễn Văn Mậu (Viện Pasteur Hà Nội), đã xuất bản Bảng thành phần thức ăn Đông Dương gồm 200 loại. Năm 1972, viện Vệ sinh dịch tễ học Hà Nội - Bộ Y tế (Phạm Văn Sổ và Bùi Thị Nhu Thuận) và Viện Nghiên cứu kỹ thuật ăn mặc - Bộ Quốc phòng (Từ Giấy và Bùi Minh Đức) đã phối hợp xuất bản cuốn “Bảng thành phần hoá học thức ăn Việt Nam” dựa trên các công trình nghiên cứu trong nước và tham khảo một số tài liệu nước ngoài.
        Năm 2000, Viện Dinh dưỡng trên cơ sở tham khảo các công trình đã xuất bản và các kết quả nghiên cứu, phân tích thành phần thực phẩm tiến hành trong 20 năm qua, kết hợp với tài liệu tham khảo cập nhật của một số nước trong khu vực châu Á, đã tái bản “Bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam”gồm 15 thành phần dinh dưỡng chính của 501 thực phẩm được chia thành 14 nhóm và các bảng hàm lượng acid amin, acid béo, chất khoáng, vi khoáng trong thực phẩm. Cuốn sách do tập thể Khoa Hóa-Vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện dinh dưỡng biên soạn.
        Năm 2005, để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng, các cán bộ làm công tác dinh dưỡng tiết chế tại bếp ăn tập thể, nhân viên y tế làm công tác tư vấn dinh dưỡng có thể tra cứu nhanh các số liệu thành phần thực phẩm thường xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày, Viện dinh dưỡng đã xuất bản “Bảng thành phần dinh dưỡng của một số thức ăn thông dụng” bao gồm 436 thực phẩm được chia thành 4 nhóm chính là nhóm cung cấp chất bột, nhóm cung cấp chất đạm, nhóm cung cấp chất béo, nhóm cung cấp vitamin và muối khoáng.
        Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về dinh dưỡng, khoa học thực phẩm, văn hóa ẩm thực và nhiều bạn đọc vẫn mong có một Bảng thành phần có số liệu đầy đủ, cập nhật về thành phần các chất sinh năng lượng, các acid amin, acid béo, acid folic, các loại đường, hàm lượng khoáng, chất xơ, vi khoáng, vitamin, hợp chất hoá thực vật...trong thực phẩm hiện có trên thị trường Việt Nam với cấu trúc tiện tra cứu hơn, do đó Viện Dinh dưỡng đã biên soạn cuốn “Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam” và được ra mắt bạn đọc trong năm 2007.
NguồnBảng thành phần thực phẩm Việt Nam-2007
Lượt xem23/08/2021
0 0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin liên quan

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng